Kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc thiên tài Johann Strauss II, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã thực hiện một hoạt động đặc biệt khi phát sóng trực tiếp bản valse nổi tiếng “The Blue Danube” vào không gian.
Nhà soạn nhạc người Áo Johann Strauss II đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử âm nhạc với bản valse “The Blue Danube”. Bản nhạc này đã gắn liền với hình ảnh du hành vũ trụ sau khi được sử dụng trong bộ phim kinh điển “2001: A Space Odyssey” (1968) của đạo diễn Stanley Kubrick.
Trong khuôn khổ chương trình “Buổi hòa nhạc giữa các vì sao”, Dàn nhạc giao hưởng Vienna đã biểu diễn trực tiếp bản valse tại thủ đô Áo. Sự kiện này không chỉ được phát trực tuyến trên mạng mà còn được trình chiếu tại các địa điểm công cộng như Công viên Bryant ở New York và gần trạm ăng-ten Cebreros của ESA ở Tây Ban Nha.
Dàn nhạc giao hưởng Vienna biểu diễn bản valse ‘The Blue Danube’
Tổng Giám đốc ESA, ông Josef Aschbacher, cho biết tín hiệu âm thanh sau khi được số hóa sẽ được truyền tới chảo vệ tinh đường kính 35m tại Cebreros, sau đó tiếp tục di chuyển dưới dạng sóng điện từ vào không gian. Đây là một bước tiến mới trong việc kết nối âm nhạc với vũ trụ.
Giám đốc Hội đồng Du lịch Vienna, ông Norbert Kettner, nhận xét rằng “The Blue Danube” thực sự là “bài thánh ca không chính thức của vũ trụ”. Ông nhấn mạnh vai trò của đạo diễn Kubrick trong việc khắc sâu hình ảnh điệu valse này vào trí nhớ công chúng gắn liền với không gian.
Không chỉ dừng lại ở đó, bản valse này còn thường xuyên được sử dụng trong các hoạt động kết nối trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), thể hiện sức sống mãnh liệt và khả năng kết nối của âm nhạc.
Giám đốc điều hành của Dàn nhạc giao hưởng Vienna, Jan Nast, cho biết bản valse mang đến cảm giác “nhẹ nhàng như đang bay bổng trong không gian”. Ông cũng nhấn mạnh rằng âm nhạc là một ngôn ngữ phổ quát có khả năng kết nối con người và truyền tải niềm vui, hy vọng.
Sau khi rời khỏi Trái Đất với tốc độ ánh sáng, tín hiệu âm thanh sẽ mất khoảng 23 giờ 3 phút để chạm đến tàu vũ trụ Voyager 1 của NASA – vật thể nhân tạo xa nhất từng được con người phóng vào vũ trụ. Đây là một hành trình “giữa các vì sao” đầy ý nghĩa.