Trang chủ Tin tức Đổi tên di sản quốc gia lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến

Đổi tên di sản quốc gia lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến

bởi Linh

Theo Quyết định được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng ký ngày 28-10, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến trong quyết định ngày 4-4 của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL được đổi tên thành “Lễ hội truyền thống lễ giỗ bà Phi Yến tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”.

Đổi tên di sản quốc gia lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến - Ảnh 1.

Lễ giỗ bà Phi Yến ở Côn Đảo – Ảnh: Du lịch Côn Đảo

Quyết định nêu rõ, việc đổi tên theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Cục trưởng Cục Di sản văn hóa.

Cùng với việc điều chỉnh tên gọi, một số thông tin trong hồ sơ di sản quốc gia của lễ hội này cũng được điều chỉnh theo hướng làm sâu sắc hơn những giá trị đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của cư dân biển đảo…

Trước đó, vào tháng 6-2022, Bộ VH-TT-DL đã có văn bản đề nghị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đổi tên di sản quốc gia lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến để tránh hiểu nhầm về một nhân vật lịch sử, hoặc gây xung đột giữa các cộng đồng trong khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Địa phương cũng cần lược bỏ các yếu tố mới, không xác thực về lịch sử. Nội dung quảng bá di tích lịch sử – văn hóa An Sơn miếu, địa điểm tổ chức lễ giỗ bà Phi Yến hàng năm cũng cần điều chỉnh.

Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, đầu năm 2022, lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam đã có đơn kiến nghị Bộ VH-TT-DL hủy bỏ hoặc thu hồi ngay quyết định công nhận lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến ở Côn Đảo là di sản phi vật thể quốc gia. Việc này nhằm bảo vệ tính chính đáng của hồ sơ khoa học, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn với vị vua khởi nghiệp triều đại để đất nước có được hình hài như hôm nay, không xuyên tạc lịch sử, xúc phạm anh linh hoàng đế Gia Long.

Đơn kiến nghị cho hay quyết định công nhận di sản không chỉ gây băn khoăn trong dư luận, giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa trên phương diện chuyên môn mà trên phương tiện tình cảm còn gây bức xúc với bà con dòng tộc Nguyễn Phúc trên toàn quốc cũng như ở hải ngoại. Các cứ liệu lịch sử là cơ sở xếp loại di sản văn hóa cấp quốc gia đã động chạm một cách phi lý đến cuộc đời và sự nghiệp hoàng đế Gia Long, vua khai sáng và khởi nghiệp vương triều Nguyễn.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm