Nội dung chính

Bệnh nhi 15 tuổi được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi trung ương.
Sự buông lỏng trong giám sát và ý thức cộng đồng đang khiến thuốc lá điện tử tiếp tục len lỏi vào đời sống giới trẻ, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng.
Tình trạng một bệnh nhi 15 tuổi nhập viện cấp cứu vì ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử gần đây là một hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng về sự buông lỏng trong giám sát, kiểm soát và ý thức cộng đồng.
Từ lời rủ rê đến giường bệnh cấp cứu
Các bác sĩ Khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) đã tiếp nhận một bệnh nhi nam 15 tuổi, nhập viện trong tình trạng chóng mặt, buồn nôn, loạng choạng, bủn rủn tay chân… Nguyên nhân được xác định là do sử dụng thuốc lá điện tử.
Theo chia sẻ của gia đình, trẻ từng sử dụng thuốc lá điện tử trong khoảng một năm và đã ngưng khoảng 3 tháng gần đây. Tuy nhiên, do bị bạn bè rủ rê, trẻ đã tái sử dụng và ngay sau đó xuất hiện các triệu chứng bất thường như nôn, nói nhảm, kích thích. Gia đình đã đưa trẻ đến bệnh viện địa phương để sơ cứu, sau đó chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Nhi trung ương.
Tại đây, trẻ được chẩn đoán theo dõi ngộ độc chất gây nghiện sau khi dùng thuốc lá điện tử. Bệnh nhi được truyền dịch và điều trị tích cực theo phác đồ. Sau hai ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của trẻ đã ổn định và được xuất viện.
Nguy cơ từ thuốc lá điện tử
Các chuyên gia y tế cảnh báo, tinh dầu thuốc lá điện tử hiện nay có thể bị pha trộn với nhiều loại chất kích thích dạng lỏng không rõ nguồn gốc, dễ gây ngộ độc cấp tính. Đáng sợ hơn, chúng có khả năng để lại tổn thương lâu dài cho não bộ đang trong giai đoạn phát triển của thanh, thiếu niên. Các biến chứng có thể bao gồm rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi và nguy cơ lệ thuộc cao.

Thuốc lá điện tử được rao bán công khai trên mạng xã hội.
Lệnh cấm bị “lách” qua mạng xã hội
Theo quy định tại kỳ họp thứ tám của Quốc hội khóa XV, từ ngày 1-1-2025, việc sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã bị cấm hoàn toàn. Tuy nhiên, chỉ cần vài thao tác tìm kiếm đơn giản với từ khóa như “vape”, “pod”, “thuốc lá điện tử” trên Facebook, Telegram hoặc TikTok, người dùng sẽ dễ dàng bắt gặp hàng loạt hội nhóm, tài khoản cá nhân đang rao bán công khai sản phẩm.
Cần có sự phối hợp đồng bộ từ ba phía
Theo Luật sư Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty Luật AE, các hành vi liên quan đến thuốc lá điện tử đã bị đưa vào diện hàng hóa cấm theo quy định của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Để ngăn chặn sự lan tràn của thuốc lá điện tử trong giới trẻ, các chuyên gia giáo dục và y tế đều thống nhất rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ ba phía: Gia đình – nhà trường – cơ quan chức năng.

Thuốc lá điện tử được ngụy trang như nước trái cây.
Với gia đình, phụ huynh cần quan tâm đến con em mình nhiều hơn, chủ động tìm hiểu các dấu hiệu bất thường trong hành vi, sinh hoạt hoặc phát hiện vật dụng đáng ngờ. Cùng với đó, cần tạo môi trường chia sẻ để con trẻ không e ngại khi đối mặt với các tình huống tiêu cực.
Cần tăng cường kiểm tra thị trường online, yêu cầu các nền tảng mạng xã hội gỡ bỏ nội dung vi phạm, đồng thời, phối hợp với chính quyền các cấp ngăn chặn nguồn cung, xử phạt nghiêm minh các đối tượng vi phạm.