Nội dung chính

Ảnh minh họa
Trời mưa thường khiến chúng ta cảm thấy buồn ngủ và uể oải hơn. Nhưng lý do đằng sau hiện tượng này là gì?
Khoa học đã chỉ ra rằng mưa ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của hệ thần kinh, hormone và môi trường sống, tất cả đều có thể khiến chúng ta thấy buồn ngủ hơn bình thường.
Tác động của mưa đến hormone và đồng hồ sinh học
Ánh sáng mặt trời đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết đồng hồ sinh học của con người. Tia UVA và UVB từ ánh nắng mặt trời kích thích cơ thể sản sinh serotonin, một hormone giúp tăng mức độ tỉnh táo, cải thiện tâm trạng và nâng cao khả năng tập trung. Đồng thời, ánh sáng cũng làm giảm sản xuất melatonin, một loại hormone gây buồn ngủ được tuyến tùng tiết ra khi trời tối. Vào những ngày mưa, bầu trời u ám, mây dày và ánh sáng giảm mạnh, cơ thể tự động “hiểu nhầm” rằng đang đến giờ ngủ.
Mưa làm giảm serotonin và tăng melatonin
Khi ánh sáng giảm, lượng serotonin giảm, còn melatonin tăng lên khiến chúng ta dễ rơi vào trạng thái lờ đờ, mỏi mệt. Bác sĩ Darius Loghmanee, chuyên gia giấc ngủ tại Trung tâm Y tế Advocate Christ (Mỹ), cho biết khả năng ngủ hay thức của con người bị chi phối bởi môi trường. Nếu bạn quen ngủ trong bóng tối, việc có ánh sáng trong phòng có thể khiến khó ngủ. Ngược lại, nếu quen thức dậy trong ánh sáng thì những ngày u ám hoặc mùa đông có thể khiến bạn rất khó tỉnh táo.

Tiếng mưa rơi cũng là loại âm thanh giúp dễ ngủ
Âm thanh của mưa và ảnh hưởng đến não bộ
Tiếng mưa rơi đều đều, nhẹ nhàng là một dạng “pink noise” (âm thanh hồng), loại âm thanh nền có tần số thấp, dịu và tự nhiên. Loại “âm thanh hồng” có khả năng làm dịu thần kinh, che lấp tiếng ồn gây phân tâm và hỗ trợ quá trình đi vào giấc ngủ. Một số nghiên cứu cho thấy việc nghe “âm thanh hồng” vào ban đêm có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, tăng độ sâu và giảm số lần thức giấc.
Làm gì để “kháng cự” cơn buồn ngủ ngày mưa?
Vẫn có những cách đơn giản để giúp cơ thể vượt qua trạng thái mỏi mệt này. Một chút vận động nhẹ nhàng như đi bộ quanh nhà hoặc tập vài động tác giãn cơ có thể giúp tăng lưu lượng máu, cải thiện tâm trạng và đánh thức sự tỉnh táo. Việc bật đèn sáng trong phòng vào những lúc trời âm u cũng hỗ trợ đồng hồ sinh học hoạt động đúng nhịp, tránh cảm giác chậm chạp kéo dài.
Bên cạnh đó, duy trì thói quen ngủ đúng giờ, uống đủ nước và hạn chế phụ thuộc vào cà phê là những thói quen nhỏ nhưng có tác động đáng kể đến năng lượng trong ngày. Dù trời mưa khiến cơ thể dễ rơi vào trạng thái muốn nghỉ ngơi, nhưng với vài điều chỉnh hợp lý, bạn hoàn toàn có thể giữ nhịp sống ổn định và nhẹ nhàng vượt qua những ngày u ám.