Vài tháng gần đây, ngành chăn nuôi trong nước “nóng” lên bởi sự gia nhập thị trường thịt thương hiệu của 2 “đại gia” là Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam (BaF) trong khi các “đại gia” chăn nuôi lâu năm thì tiếp tục mở rộng chuỗi bán lẻ, công bố thông tin về xuất khẩu.
Sản xuất theo chuỗi
Cụ thể, BaF mới đây đã giới thiệu thương hiệu thịt heo BaF Meat và cam kết đây là thịt “heo ăn chay”, tức thức ăn cho heo không có nguồn gốc sản phẩm động vật. Dù mới gia nhập thị trường nhưng BaF Meat đã có 300 điểm bán tại siêu thị Siba Food BaF MeatShop. Kế hoạch năm 2023, hệ thống này sẽ mở rộng thêm 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng BaF MeatShop.
Trong khi đó, HAGL giới thiệu thương hiệu thịt Bapi Food, nổi bật là sản phẩm thịt “heo ăn chuối” từ tháng 9 và đang tích cực mở rộng mạng lưới bán lẻ tại các thị trường trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… với mục tiêu đạt 200 điểm bán trong năm nay và tăng lên 1.000 điểm bán vào năm 2023. Ngoài “heo ăn chuối”, HAGL còn có các sản phẩm thịt chế biến và thịt gà đi bộ, thịt bò của đồng bào chăn nuôi – các sản phẩm thế mạnh của “bầu Đức” – ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL.
Theo ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT BaF, xu hướng chăn nuôi heo công nghiệp đang tăng dần, chăn nuôi nhỏ lẻ giảm. Điều này giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững và chuyên nghiệp hơn. Tuy vậy, trong chăn nuôi công nghiệp, các doanh nghiệp (DN) ngoại đang chiếm đến 70%, là con số áp đảo nhưng chủ yếu sản phẩm họ bán ra thị trường là heo hơi. Ngay cả DN lớn, sản lượng xuất chuồng lên đến 6 triệu con heo/năm nhưng đến 90% là heo hơi, cạnh tranh trực tiếp với nông hộ.
“Chúng tôi gia nhập thị trường sau, chọn con đường sản xuất khép kín 3F (farm – feed – food tức trang trại – thức ăn chăn nuôi – thực phẩm) – đây là xu hướng mới của thị trường khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, ở mảng thịt, 90% sản lượng tiêu thụ qua kênh truyền thống, phần lớn giết mổ thủ công, khó kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm,… nên thịt heo 3F sẽ có lợi thế” – Chủ tịch HĐQT BaF phân tích.
Nhiều sản phẩm thịt gắn thương hiệu bán tại siêu thị TP HCM Ảnh: AN NA
Ông Nam Ki Don, Tổng Giám đốc Công ty TNHH CJ Vina Agri, cho biết hiện Vina Agri có hơn 1.000 trang trại chăn nuôi khép kín với các trang thiết bị cùng công nghệ hiện đại và môi trường chăn nuôi an toàn vệ sinh. Công ty cũng mở rộng quy mô 7 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trải dài khắp Việt Nam, với tổng công suất hơn 1 triệu tấn/năm.
Theo ông Nam Ki Don, việc sản xuất, chăn nuôi theo mô hình khép kín nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm chất lượng cao với giá thành tốt nhất. Trong khi những đàn heo được chăn nuôi tại nhà khá khó khăn để có thể kiểm soát tốt dịch bệnh, chất lượng thức ăn, con giống và môi trường.
Ngoài ra, để giúp người tiêu dùng sử dụng sản phẩm với giá cả hợp lý, từ tháng 10-2020, công ty đã đưa vào hoạt động chuỗi bán lẻ thịt sạch với thương hiệu Meat Master tại các thành phố lớn trên cả nước. Không chỉ kinh doanh thịt heo, cửa hàng còn có nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến, gia vị nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Hiện công ty đã mở rộng quy mô chăn nuôi, mỗi tháng xuất chuồng khoảng 130.000 con heo, tăng 30% so với trước đây.
Ông Bùi Văn My, Giám đốc Công ty Chăn nuôi và Chế biến Thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood), cũng cho biết nhờ vào chăn nuôi sản xuất khép kín từ thức ăn chăn nuôi, con giống, chăn nuôi, giết mổ, chế biến mà công ty tự chủ được đầu vào và đầu ra, không phải lo ngại về biến động thị trường.
“Sản xuất theo chuỗi còn giúp kiểm soát được chất lượng hàng hóa, dịch bệnh. Đây là lợi thế lớn để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Mỗi năm công ty đều có sự tăng trưởng tốt. Hiện tại, chúng tôi đang tìm kiếm khu vực thuận lợi để mở rộng quy mô chăn nuôi sản xuất, cũng như hướng tới xuất khẩu thực phẩm chế biến trong thời gian tới” – ông My thông tin.
Từng bước xuất khẩu
Trong bối cảnh ngành chăn nuôi trong nước ngày càng được chuyên nghiệp hóa, tháng 10 vừa qua, Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (C.P Việt Nam) đã xuất khẩu lô thịt gà chế biến 33,6 tấn đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. Trong 2 tháng cuối năm, công ty tiếp tục xuất hơn 80 tấn sản phẩm thịt gà chế biến sang thị trường Nhật và kế hoạch năm 2023 tăng sản lượng lên tới 4.500 tấn.
Ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc C.P. Việt Nam, cho biết đây là dự án xuất khẩu gà chế biến theo mô hình khép kín hoàn chỉnh đầu tiên của C.P. Việt Nam với vốn đầu tư 230 triệu USD, góp phần đưa Việt Nam gia nhập vào bản đồ xuất khẩu thịt gia cầm có thương hiệu trên thế giới.
Theo ông Nguyễn Văn Long, quyền Cục trưởng Cục Thú y, các hoạt động đàm phán mở cửa thị trường cho các sản phẩm gia súc, gia cầm từ năm 2016 đến nay đã thu được những kết quả bước đầu. Tính đến tháng 10-2022, đã có 7 quốc gia, vùng lãnh thổ (Nhật Bản, Hồng Kông – Trung Quốc, Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) chấp nhận và cho phép nhập khẩu thịt gà chế biến của Việt Nam. Trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu được khoảng 4.500 tấn thịt gà chế biến sang các nước. Hiện tại, cục đang tiến hành đàm phán với cơ quan thú y có thẩm quyền của Hàn Quốc, Singapore, Anh… để xuất khẩu thịt gà chế biến sang các nước này.
Theo số liệu hải quan, trong quý III/2022, Việt Nam xuất khẩu được 3.990 tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 21,18 triệu USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 22,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các nước thuộc khu vực châu Á.
Cục Xuất Nhập khẩu – Bộ Công Thương đánh giá thời gian qua, xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với sản lượng sản xuất hằng năm. Tuy nhiên, nhờ nguồn cung thịt của Việt Nam khá dồi dào, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến trong thời gian tới. Đây cũng là chuyển biến tích cực của ngành chăn nuôi khi chỉ vài năm trước, Việt Nam phải tìm nguồn nhập khẩu, đặc biệt là thịt heo để hạ nhiệt giá heo trong nước.
Không lo thiếu thịt
Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng nhận định ngành chăn nuôi Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển khi sản lượng thịt mới đạt 70 kg, trứng 140 quả, sữa 12 lít (người/năm), còn rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Gần đây có nhiều DN đầu tư vào chăn nuôi, đặc biệt là nuôi heo theo chuỗi khép kín, công nghệ cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nên việc phục vụ nhu cầu trong nước 100 triệu dân và xuất khẩu là hoàn toàn đáp ứng được. Với tổng đàn (gà, heo, bò, trâu) và sản lượng thịt dự kiến cung cấp dịp cuối năm và Tết Nguyên đán – ông Phùng Đức Tiến khẳng định không lo thiếu thịt.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-11
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)