Trang chủ Đời sống Phát huy vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế – xã hội

Phát huy vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế – xã hội

bởi Linh

Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số vào phát triển kinh tế – xã hội là một vấn đề quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Ngày 12-6, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi vào hoạt động phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh hiện nay”. Đây là sự kiện quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả Dự án 8 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, sau gần 5 năm triển khai giai đoạn I (2021-2025), Dự án 8 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động trong cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức cần được tiếp tục nhận diện và giải quyết một cách căn cơ, đồng bộ trong thời gian tới.

“Hội thảo sẽ bàn về cơ sở lý luận, định hướng giải pháp bảo đảm tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân và ứng dụng khoa học công nghệ, để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau mà vươn lên cùng phụ nữ cả nước trong kỷ nguyên mới”, bà Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh.

PGS.TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: Phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi là nhóm dễ bị tổn thương, thường chịu thiệt thòi trong việc tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực, lợi ích phát triển, cũng như quyền tham gia vào quá trình ra quyết định kinh tế – xã hội.

PGS.TS Dương Kim Anh phát biểu

PGS.TS Dương Kim Anh phát biểu

Theo PGS.TS Dương Kim Anh, mặc dù đã có nhiều chính sách, chương trình được triển khai nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, nhưng quá trình thực thi vẫn gặp không ít rào cản. Những rào cản này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân đan xen, trong đó có các quan niệm truyền thống và định kiến xã hội về vai trò của phụ nữ.

Hội thảo đã nhận được 93 bài viết từ các nhà nghiên cứu, học giả, giảng viên, cán bộ Hội, cán bộ các sở, ban, ngành trên cả nước. Ban tổ chức đã triển khai 2 phiên làm việc với các nội dung: Lý luận và thực trạng tiếng nói, sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số vào hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; Kinh nghiệm thực tiễn và chia sẻ các mô hình tăng cường tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu, mô hình thành công, sáng kiến thiết thực đã và đang được áp dụng tại nhiều địa phương trên cả nước. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị nhằm tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu quả tiếng nói, sự tham gia của phụ nữ và miền núi vào các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Có thể bạn quan tâm