Sáng 12/6, Quốc hội thảo luận về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025, một bước quan trọng trong quá trình tinh gọn bộ máy hành chính và tối ưu hóa nguồn lực.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nhấn mạnh rằng việc sáp nhập tỉnh sẽ góp phần tạo ra các tỉnh có quy mô lớn hơn, điều kiện tự nhiên và nguồn lực đa dạng hơn. Điều này sẽ giúp các tỉnh sau sáp nhập có khả năng xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội quy mô lớn, thu hút đầu tư mạnh hơn và tổ chức lại không gian sản xuất và dịch vụ một cách hợp lý và bền vững.
Việc tổ chức lại đơn vị hành chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tái cấu trúc hệ thống cơ quan hành chính các cấp, nâng cao hiệu quả quản trị và chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy cải cách thể chế và hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương tinh gọn, hiện đại, minh bạch và chuyên nghiệp.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận), quá trình chia tách đơn vị hành chính trong quá khứ đã góp phần phục vụ mục tiêu an ninh, chính trị và quản lý địa bàn. Tuy nhiên, mô hình tổ chức này hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập, với không ít tỉnh có quy mô nhỏ, dân số thấp, dẫn đến phân mảnh không gian phát triển và khó hình thành các vùng kinh tế trọng điểm.

Toàn cảnh Phiên họp
Cần thể chế đủ rộng, đủ linh hoạt
Để quá trình sáp nhập thực sự thành công, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan sớm hoàn thiện thể chế, pháp luật phù hợp với mô hình địa phương hai cấp. Cần có cơ chế tổ chức bộ máy đặc thù cho các tỉnh mới trong giai đoạn chuyển tiếp và tiến hành phân cấp, phân quyền mạnh mẽ.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng cần có thể chế đủ rộng, đủ linh hoạt, phù hợp với quy mô dân số và đặc điểm an ninh quốc phòng của từng địa phương. Đồng thời, cần ưu tiên nguồn lực để các địa phương có điều kiện đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ.
Quá trình triển khai sắp xếp đơn vị hành chính sẽ đối diện với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự chỉ đạo sâu sát và sự phối hợp đồng bộ. Một trong những thách thức là xử lý trụ sở hành chính công dôi dư. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số trụ sở công cấp tỉnh tại 52 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp là 38.182 trụ sở, trong đó dự kiến còn 4.226 trụ sở dôi dư.
Cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ cải cách tiền lương để đáp ứng với khối lượng công việc tăng và phạm vi quản lý rộng hơn sau sáp nhập. Đối với lực lượng cán bộ, công chức cấp xã, cần có chính sách rõ ràng, ổn định và có lộ trình chuyển tiếp phù hợp.